Search

23/5/13

Trúc Chỉ - phép cộng và sự trở về.

Trúc Chỉ - phép cộng và sự trở về  
Chơi với ánh sáng – sắp đặt Trúc Chỉ.

Trúc Chỉ - phép cộng và sự trở về

(LĐ) - Thứ bảy 16/02/2013 21:58
Trên cơ sở quy trình làm giấy dó thủ công truyền thống Việt Nam, họa sĩ Hải Bằng, Giảng viên Trường Đại học Nghệ thuật Huế đã sử dụng nguyên liệu tre thay thế nguyên liệu vỏ dó để tạo nên những tác phẩm giấy có tên là Trúc Chỉ. Hải Bằng bảo đó là phép cộng giúp mình làm mới và giàu có thêm bề dày của văn hoá Việt và đó cũng là một sự trở về…
Không đơn thuần là cái tên
Trúc là tre, Chỉ là giấy- nôm na là giấy tre. Tuy nhiên ở đây, Trúc Chỉ không đơn thuần chỉ là cái tên, mà chính cái tinh thần làm nên sự khác biệt, khiến Trúc Chỉ không còn chỉ là một loại giấy làm từ tre nữa. Vậy Trúc Chỉ có thể là gì?

Có thể hình dung những công đoạn sản xuất Trúc Chỉ như sau: Tre được bóc vỏ cật, chẻ nhỏ, ngâm trong nước khoảng một đêm. Sau đó đem nấu với nước vôi trong khoảng 12 tiếng rồi xả sạch, chọn lọc, phân loại các loại xơ tre, nghiền nhỏ thành bột, xeo giấy.

Quy trình xeo giấy gồm hai phương pháp. Đối với phương pháp bể sâu, bột tre được cho vào bể nước sâu, dùng gậy đánh cho tan đều trong nước - có thể thêm bột điệp, dùng khuôn để đúc bột giấy sau đó trải ra thành một tệp, cho vào máy ép khô nước rồi đem phơi khô. Còn phương pháp bể cạn thì khung xeo được cho vào bể cạn, cho bột giấy tre vào khuôn, vỗ đều nhấc ra.

Dùng nước phun vào trên mặt giấy có các hình hoa văn chuẩn bị sẵn để tạo ra các hình hoa văn khi soi ra ánh sáng, đem phơi khô. Điều đặc biệt ở chỗ, mỗi tác phẩm Trúc Chỉ nghệ thuật đều mang tính độc bản, với kỹ thuật tạo hình ẩn chứa trên nền giấy, khi cầm trên tay, soi vào ánh sáng những nét hoa văn nghệ thuật chìm trong nền Trúc Chỉ hiện ra độc đáo, sinh động làm nổi bật các hoạ tiết tạo hình đa dạng.

Anh lý giải: Các kết quả sáng tạo đều xuất phát từ nhu cầu nội tại và cấp thiết của con người, cho con người. Mặc nhiên không thể chối bỏ hay phủ nhận những thành tựu của quá khứ, mà phải biết cộng thêm vào, làm mới, soi rọi nó dưới ánh sáng mới… để tạo dựng những giá trị mới trên nền tảng quá khứ. Bằng cách cộng thêm vào những ý tưởng mới, cách nhìn mới, kết hợp với những giá trị khác… mình hoàn toàn có thể nghĩ đến một kết quả mới lạ, độc đáo mà vẫn không xa rời tâm thức của mình, dân tộc mình.

Dĩ nhiên cũng không loại trừ sự cộng thêm những giá trị ngoài vùng miền, quốc gia hoặc khu vực, điều này có lẽ đã không được lưu tâm trong một thời gian khá dài, dẫn đến việc tự khép kín, tự triệt tiêu hoặc tự làm nghèo đi của nhiều giá trị truyền thống khác.
“Của mình, của Huế, của Việt”

Sau hơn 10 năm mày mò ở Việt Nam, Lào, Thái… cộng với sự hỗ trợ của học bổng Asianscholarship Foundation – ASF năm 2007, Hải Bằng đã trình làng Trúc Chỉ bằng một triển lãm ở Đà Lạt mới đây (tháng 8.2012). Bên cạnh những lời khen, đã có không ít nhận xét kiểu Trúc Chỉ của Hải Bằng chỉ là giấy cấp thấp nhất trong kỹ thuật làm giấy và chỉ đứng riêng để làm một tác phẩm nghệ thuật độc lập thì chưa đủ vì “tác phẩm” đó chưa chuyển tải được thông điệp gì lớn mà cuộc sống đương đại đang đặt ra. Rằng Trúc Chỉ của Hải Bằng đang nằm giữa biên giới của một tác phẩm nghệ thuật và sản phẩm thương mại…

Hải Bằng lặng lẽ cười: “Tôi chẳng có tham vọng to lớn gì đâu. Tôi và Trúc Chỉ chỉ cắm cúi với nhau, và rỉ tai nhau rằng: Làm sao để người ta biết mình là ai, nhớ mình là người Việt, và cho dù nhỏ nhoi người Việt cũng nên có một chút tự hào trong thời buổi này…”.

Với Hải Bằng, Trúc Chỉ là một phương tiện để nhận biết “thương hiệu” Hải Bằng và không chỉ để nhận biết mỗi mình Hải Bằng…Đơn giản, đồ họa không phải là của riêng Lê Bá Đảng; điêu khắc không là của riêng Lê Thành Nhơn hay Điềm Phùng Thị; sơn mài không phải là của riêng Đỗ Kỳ Hoàng... “Tôi nghĩ rằng Trúc Chỉ là của mình, của Huế, của Việt, thế thôi!”.
  • >> Sức bật sáng tạo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét